25-09-2016 - 01:00 PM - Lượt xem: 3320
Khi quí khách hàng có nhu cầu cấp điện đối với cá nhân hay tổ chức phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh hãy chuẩn bị các thủ tục theo qui trình hướng dẫn cấp điện sau đây
1. Đối tượng áp dụng
Các khách hàng mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt, ngoài sinh hoạt (sản xuất, kinh doanh, dịch vụ....) có nhu cầu mua điện qua trạm biến áp chuyên dùng cần đầu tư xây dựng đường dây và trạm biến áp trung áp
2. Phương thức đăng ký
Khách hàng có thể đăng ký mua điện theo các phương thức như sau:
- Khách hàng trực tiếp đến Phòng giao dịch khách hàng của điện lực khu vực để đăng ký mua điện
- Khách hàng có thể đăng ký mua điện qua việc điện thoại đến các Trung tâm CSKH hoặc qua trang thông tin điện tử của các Trung tâm CSKH.
Khách hàng chỉ nên liên hệ với nhân viên tiếp khách hàng tại phòng giao dịch khách hàng của Công ty điện lực/Điện lực, không liên hệ với những người bên ngoài hoặc không có trách nhiệm.
3. Thủ tục đăng ký
a) Khi đăng ký mua điện, khách hàng cần có 04 giấy tờ sau:
i. Giấy đề nghị hoặc công văn đề nghị mua điện
ii. 01 bản sao của một loại giấy tờ xác định địa điểm mua điện:
- Hộ khẩu thường trú;
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Hợp đồng mua bán nhà hợp lệ;
- Hợp đồng thuê địa điểm;
- Hợp đồng ủy quyền quản lý và sử dụng nhà/đất.
iii. 01 bản sao của một loại giấy tờ xác định mục đích sử dụng điện:
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện;
- Giấy phép đầu tư;
- Quyết định thành lập đơn vị;
iv. Hồ sơ đề nghị đấu nối theo quy định của Bộ Công Thương, bao gồm:
- Hồ sơ đề nghị đấu nối (có file đính kèm);
- Sơ đồ nguyên lý các thiết bị chính sau điểm đấu nối;
- Tài liệu kỹ thuật về trang thiết bị dự định đấu nối, thời gian dự kiến hoàn thành dự án, số liệu kinh tế kỹ thuật của dự án đấu nối
b) Đối với khách hàng sử dụng điện có sản lượng điện tiêu thụ bình quân từ 1.000.000 kWh/tháng trở lên có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng mua bán điện có hiệu lực.
4. Chi phí
- Điểm đấu nối cấp điện đã được thỏa thuận là cơ sở pháp lý để Khách hàng và Điện lực tiến hành thực hiện đầu tư xây dựng công trình điện theo quy định của Nhà nước.
- Trước khi đầu tư xây dựng công trình điện, Đơn vị khu vực và Khách hàng thỏa thuận về trách nhiệm trong việc đầu tư công trình điện, kể cả TU, TI trong hệ thống đo đếm điện (trừ công tơ điện) và sẽ được ghi rõ trong Hợp đồng đầu tư công trình điện giữa hai bên (có file đính kèm).
5. Quy trình giải quyết
Các công việc do Điện lực khu vực phối hợp với khách hàng thực hiện gồm: Tiếp nhận hồ sơ và khảo sát kỹ thuật; Thỏa thuận đấu nối và các yêu cầu kỹ thuật; Ký hợp đồng mua bán điện, nghiệm thu, đóng điện công trình.
Đối với các công việc khách hàng cần làm việc với các cơ quản lý nhà nước gồm:
- Thỏa thuận về sự phù hợp Quy hoạch phát triển điện lực với Sở Công thương
- Thỏa thuận vị trí cột/trạm điện, hành lang lưới điện với Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoặc Sở Giao thông - Vận tải hoặc Sở Xây dựng (tuỳ theo quy định của từng địa phương.
- Cấp phép thi công xây dựng công trình điện với Cơ quan nhà nước được UBND tỉnh/thành phố giao nhiệm vụ.
- Lập kế hoạch bảo vệ môi trường với các cơ quan có thẩm quyền (UBND cấp huyện, UBND cấp xã được ủy quyền, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế) để xác nhận.
Trình tự thực hiện như sau:
- i. Khách hàng gửi hồ sơ đề nghị cấp điện tại “Phòng Giao dịch Khách hàng” của CTĐL/ĐL sở tại hoặc “Phòng Giao dịch Khách hàng” của CTĐL/Ban Kinh doanh của TCTĐL. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết, CTĐL/ĐL thực hiện tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm chuyển hồ sơ đề nghị cấp điện của khách hàng đến đơn vị giải quyết theo quy định.
- ii. Điện lực thực hiện hẹn Khách hàng thời gian và tiến hành khảo sát và thỏa thuận với khách hàng về vị trí điểm đấu nối và các yêu cầu kỹ thuật.
- iii. Khách hàng thực hiện các thủ tục để xác nhận sự phù hợp với quy hoạch điện được cấp có thẩm quyền phê duyệt (có thể thực hiện trước khi đề nghị cấp điện với Điện lực).
- iv. Trên cơ sở Thỏa thuận đấu nối và các yêu cầu kỹ thuật đã ký kết, Điện lực và Khách hàng ký kết hợp đồng đầu tư.
- v. Khách hàng làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thỏa thuận tuyến đường dây, lập dự án đầu tư/thiết kế kỹ thuật, kế hoạch bảo vệ môi trường.
- vi. Giải phóng mặt bằng, xin giấy phép đào đường (nếu có), mua sắm vật tư thiết bị, tổ chức thi công.
- vii. Chậm nhất 7 ngày trước khi yêu cầu đấu nối, Khách hàng gửi hồ sơ điều kiện đóng điện điểm đấu nối theo quy định cho Điện lực.
- viii. Khi hoàn thành công trình, Khách hàng thành lập Hội đồng nghiệm thu công trình, thành phần có Điện lực tham gia. Khi công trình đủ điều kiện đóng điện, Điện lực thực hiện việc treo tháo công tơ, ký HĐMBĐ và đóng điện cho Khách hàng.
6. Thời hạn cấp điện
a) Thời gian giải quyết thủ tục tiếp cận điện năng của EVN cho khách hàng đấu nối vào lưới điện trung áp: 10 ngày (trong đó thời gian tiếp nhận đề nghị cấp điện và khảo sát hiện trường 2 ngày; thỏa thuận đấu nối và các yêu cầu kỹ thuật 2 ngày; nghiệm thu đóng điện và ký kết HĐMBĐ 6 ngày).
b) Thời hạn thỏa thuận về sự phù hợp Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh của các dự án điện: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của chủ đầu tư, Sở Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về sự phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực.
c) Thời hạn thỏa thuận vị trí cột/trạm điện, hành lang lưới điện: không quá 05 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp trên không và không quá 10 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp hạ ngầm.
d) Thời hạn giải quyết đối với thủ tục cấp phép thi công xây dựng công trình điện: không quá 07 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp trên không và không quá 10 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp ngầm.
e) Thời gian xác nhận của các cơ quan về Kế hoạch bảo vệ môi trường không quá 10 ngày.
*
EVN làm gì để cung ứng đủ điện năm 2019?
Dự báo năm 2019, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, trong khi khả năng cung cấp từ các nguồn nhiệt điện, thuỷ điện đều hạn chế. EVN sẽ thực hiện những giải pháp nào nhằm tháo gỡ khó khăn, đảm bảo cung ứng đủ điện?
Nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 của EVN, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhận định: “Nguy cơ thiếu điện cục bộ trong những năm tới là rất rõ nếu chúng ta không có các giải pháp phát triển nguồn, lưới điện”.
Nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân liên tục gia tăng, vượt quá khả năng cung ứng. Hiện nay, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam khoảng 48.000 MW. Với tốc độ tăng trưởng sản lượng điện khoảng 10%/năm (theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh) đến năm 2025, dự kiến nhu cầu công suất nguồn điện của hệ thống điện quốc gia sẽ là 90.000 MW, gấp đôi hiện nay. Đến năm 2030, sẽ tăng lên khoảng 130.000 MW.
Trong khi đó, thủy điện hiện đang đáp ứng khoảng 40% nhu cầu, nhưng tiềm năng đã khai thác gần hết, khó có khả năng phát triển thêm. Các nguồn điện khác thay thế cũng gặp nhiều khó khăn do Việt Nam đã tạm dừng triển khai dự án điện hạt nhân, nhiều dự án nhiệt điện chậm tiến độ, các nguồn năng lượng tái tạo hiện chưa thể phát triển quy mô lớn do chi phí cao, hệ thống truyền tải chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Việc vay vốn nước ngoài để phát triển nguồn điện cũng gặp nhiều khó khăn do vướng các thủ tục về bảo lãnh Chính phủ…
Thách thức lớn đối với ngành Điện còn là sự mất cân đối giữa cung và cầu của từng vùng, miền. Trong khi miền Nam sử dụng trên 50% tổng nhu cầu điện năng (miền Bắc gần 40%, miền Trung gần 10%) thì nguồn điện hiện nay lại tập trung chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung (gần 60%), miền Nam chỉ có thể tự sản xuất dưới 40%.
Hệ thống truyền tải điện giữa các vùng, miền chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc xây dựng các tuyến đường dây truyền tải “xương sống”, các tuyến nhánh còn chậm, chưa phù hợp với tiến độ các dự án phát triển nguồn. Quá trình đàm phán nhập khẩu điện của nước ngoài cũng gặp không ít khó khăn.
EVN đã chuẩn bị sẵn các kịch bản để đảm bảo điện năm 2019
Giải pháp nào?
Trước những thách thức trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ “không để xảy ra thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân” (Nghị quyết 01/NQ-CP, ngày 1/1/2019), Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành đã yêu cầu toàn Tập đoàn khẩn trương thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, phải đảm bảo các tổ máy sẵn sàng vận hành đạt công suất thiết kế, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than phải đảm bảo vận hành liên tục, ổn định trong mùa khô; chuẩn bị đầy đủ vật tư thiết bị dự phòng cho bảo dưỡng, sửa chữa; siết chặt kỷ luật vận hành, không để xảy ra sự cố lớn. Cân đối đủ nguồn than, khí trong và ngoài nước cho phát điện, nhất là vào mùa khô năm 2019. Tiếp tục làm việc và triển khai ký hợp đồng với các nhà cung cấp than/khí (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty Khí Việt Nam) để giải quyết vấn đề nhiên liệu sơ cấp cho các nhà máy điện. Trường hợp than trong nước không đủ, các đơn vị chủ động hoặc phối hợp với TKV, Tổng công ty Đông Bắc để nhập than cho phát điện.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong việc tiết kiệm điện; Thực hiện giải pháp điều hòa phụ tải, đảm bảo sự ổn định của hệ thống điện. Đảm bảo tiến độ công trình đầu tư nguồn và lưới điện, hoàn thành đàm phán ký hợp đồng mua bán điện với Lào và Trung Quốc trong quý I/2019.
Ngoài ra, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD) và năng suất lao động. Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai các đề án thiết thực, ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại như BigData, Cloud, AI, IoT, Blockchain, công nghệ số hóa...
Cùng với việc xác định bứt phá về đầu tư phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải điện là yêu cầu hàng đầu nhằm bảo đảm không để thiếu điện trong bất kỳ tình huống nào, EVN cũng sẽ chủ động tham mưu cho Bộ Công Thương, Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch điện VII; xác định lại cơ cấu nguồn điện, hệ thống truyền tải trong từng giai đoạn, khu vực, vùng miền; vận hành an toàn hệ thống điện; giảm tổn thất điện năng; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng...
EVN - Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2019: - Điện sản xuất và mua: 232,5 tỷ kWh, tăng 9,2% so với năm 2018
|