Tin tức ngành Điện

03-07-2017 - 09:15 PM - Lượt xem: 2055

Điện mặt trời là một hướng phát triển tích cực trong việc cung cấp năng lượng cho các nhu cầu tư nhân và công cộng. Nhưng có lẽ cũng cần biết đến những ưu và khuyết điểm của nguồn năng lượng tự nhiên này.

1/ Thủ tướng: 'Anh nào cắt điện, cách chức anh đó'

Yêu cầu "không được để thiếu điện" một lần nữa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương.

Chia sẻ tại hội nghị ngày 17/1, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND Hà Nội bày tỏ sự lo lắng Hà Nội có nguy cơ thiếu điện trong năm 2019. "Bộ Công Thương cần đẩy nhanh các dự án truyền tải điện, phục vụ cho điện thủ đô. Nếu không làm kịp các dự án trọng điểm này thì 2020-2021, Hà Nội sẽ thiếu điện", ông Chung lo lắng.

Trước lo lắng của lãnh đạo Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, "không thể để Bộ Công Thương hay EVN thông báo là cắt điện. Thời đại nào rồi mà còn để mất điện. Anh nào cắt điện, cách chức anh đó luôn".

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhu cầu điện năm 2019 tăng hơn 10% so với 2018, điện sản xuất và mua năm 2019 khoảng 232,5 tỷ kWh. Cơ quan này cho biết sẽ đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhất là các dự án nhiệt điện tại miền Nam. 

Để đảm bảo nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện, ngành điện sẽ khai thác tối ưu các nguồn năng lượng, đặc biệt là nguồn thủy điện, nguồn nhiên liệu khí, nguồn than trong nước và nhập khẩu than; đưa các nhà máy điện mới vào khai thác đúng tiến độ và ổn định.

Ấn tượng với chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam năm 2018 đã tăng 37 bậc, nằm trong top đầu ASEAN, nhưng Thủ tướng cho rằng ngành điện cần tiếp tục cải thiện để nâng cao chỉ số này. Riêng mục tiêu đảm bảo đủ điện, ông yêu cầu Bộ Công Thương "phải có ngay giải pháp, chứ không để mất bò mới lo làm chuồng".

Liên quan tới giá điện, ông Nguyễn Đức Chung kiến nghị, Bộ Công Thương cần có cơ chế giá ưu tiên cho nguồn điện năng lượng tái tạo, nhất là các dự án điện rác. "Giá điện có thể cao hơn giá mua lại từ nhà máy phát điện từ nguồn hoá thạch, thì mới khuyến khích sử dụng điện từ nguồn tái tạo", ông đề nghị.

Áp lực thiếu điện được nhà đèn và ngành công thương đề cập nhiều gần đây, xuất phát từ thực tế thiếu than cho sản xuất điện. Thậm chí, EVN còn nhiều lần cảnh báo nguy cơ phải cắt điện ngay từ đầu năm 2019. Tại cuộc họp tổng kết EVN đầu tháng 1, Tổng giám đốc Trần Đình Nhân cho biết, việc đầu tư bổ sung nguồn điện ngày càng khó khăn hơn, cả về thu xếp vốn, nhiên liệu cho phát điện và vấn đề tác động môi trường. Theo ông, hệ thống điện hầu như không còn công suất dự phòng. Lưới điện truyền tải phải tiếp tục giải quyết bài toán mất cân bằng giữa nguồn và tải của 3 miền đất nước.

2/ Lợi ích từ thị trường buôn bán điện cạnh tranh

Theo đúng lộ trình, từ ngày 1-1-2019, thị trường phát điện cạnh tranh đã chính thức chuyển sang giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh (VWEM). 

Vận hành trạm biến áp bảo đảm cung ứng điện cho người dân. Ảnh: CAO THĂNG
 
Đây được xem là bước chuyển đổi căn bản, thay đổi mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh điện. Đồng thời, đem đến cơ hội tốt giữa bên mua và bán, cũng như người sử dụng điện. 
 
Rút ngắn thời gian giao dịch
 
Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) Nguyễn Đức Ninh cho biết, đơn vị đã sẵn sàng các bước chuyển đổi sang giai đoạn VWEM theo đúng lộ trình được phê duyệt. Để nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống VWEM, A0 tính toán phân bổ sản lượng cho các tổng công ty điện lực khu vực và địa phương, mô phỏng thị trường điện bán buôn đảm bảo công bằng, minh bạch với các bên tham gia, lập kế hoạch vận hành thị trường điện, đảm bảo 100% phương thức đạt mục tiêu tối ưu hóa chi phí mua điện. Đồng thời, lập kế hoạch vận hành và điều độ huy động nguồn điện với khung thời gian tối thiểu 30 phút để giảm sai lệch giữa kế hoạch vận hành và thực tế huy động của các nhà máy điện. A0 cũng tính toán, đánh giá tác động về doanh thu của các đơn vị phát điện, chi phí mua điện của các đơn vị trên thị trường bán buôn. Đánh giá độ nhạy của các yếu tố như phụ tải, thủy văn, giá thị trường điện, ảnh hưởng và độ nhạy của giá thị trường điện, giá hợp đồng… đến doanh thu của các đơn vị và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ đó đề ra các chiến lược vận hành phù hợp. Song song đó, A0 tính toán điều tiết các hồ thủy điện, đánh giá và đưa ra các mực nước giới hạn phù hợp, đảm bảo các ràng buộc về yêu cầu cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, cũng như huy động các hồ thủy điện tối ưu. Tính toán nhu cầu công suất cho các dịch vụ phụ phù hợp, phân bổ lượng công suất yêu cầu cho các đơn vị theo đúng quy định, đồng thời đảm bảo tối ưu chi phí mua các dịch vụ phụ.
 
A0 tiếp tục thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng cho VWEM 2019 để dự kiến rút ngắn chu kỳ giao dịch xuống 30 phút, đồng thời phối hợp với Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng và công nghệ (EVNCTI) trong xây dựng cơ sở hạ tầng cho thị trường bán buôn dài hạn theo chỉ đạo của EVN. Đồng thời, tự động hóa các bước trong lập phương thức, cơ sở dữ liệu hóa phương thức ngày - tuần - tháng - năm, giảm các công việc cần sự can thiệp của con người trong quá trình tính toán, từ đó sẵn sàng chuyển độ phân giải trong tính toán lập lịch huy động từ 1 giờ xuống còn 30 phút, với sự tham gia hỗ trợ đắc lực của hệ thống SCADA/EMS. Ngoài ra, A0 cũng tiếp tục quản lý vận hành hệ thống SCADA/EMS và hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện, hệ thống tin học văn phòng đáp ứng 100% công tác chỉ huy vận hành hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện Việt Nam; thường xuyên tính toán các chế độ vận hành hệ thống điện, chế độ huy động nguồn. 
 
Bước đệm 
 
Theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, việc đưa VWEM vào vận hành sẽ đem lại lợi ích cho người sử dụng điện, vì có nhiều đơn vị bán điện thì sẽ có sự cạnh tranh lẫn nhau, dẫn tới giá điện sát thực tế. Việc này cũng mang lại lợi ích cho các đơn vị cung cấp điện trong việc chủ động vận hành, rút ngắn thời gian bảo trì, sửa chữa, cắt giảm chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cũng sẽ tác động lớn đến các mặt hoạt động chung của ngành điện nên cần có những bước đi thận trọng, phù hợp với điều kiện thực tế.
 
Bởi trên thực tế, để tiến tới thực hiện VWEM theo đúng lộ trình đề ra, các cơ quan chức năng từ Chính phủ, các bộ ngành liên quan đến các tập đoàn trong ngành năng lượng đã triển khai nhiều chương trình quan trọng trong các mặt về cơ chế, chính sách, quản lý kỹ thuật, công nghệ như tái cấu trúc ngành điện. Về mặt kỹ thuật, công nghệ, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công thương, chương trình nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện đã được triển khai với tỷ lệ kết nối hệ thống kiểm tra giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA) từ các nhà máy điện, trạm biến áp (trung bình đạt trên 90% và đủ tín hiệu vận hành trên 80%). Việc đo đếm từ xa giữa các nhà máy điện có công suất trên 10MW, trạm biến áp 500, 220, 110kV và điểm đo ranh giới giữa các tổng công ty điện lực cơ bản đã hoàn thành. Tính đến cuối năm 2018, có 90 nhà máy điện với tổng công suất trên 23.000MW, chiếm hơn 52% tổng công suất nguồn điện trực tiếp tham gia thị trường điện với tổng sản lượng điện giao dịch của thị trường đạt 48,4% điện sản xuất toàn quốc. Hiện nay, 5 tổng công ty điện lực trong cả nước đang quản lý trên 25 triệu công tơ bán điện cho khách hàng, trong đó số lượng công tơ điện tử gần 9 triệu cái với hơn 6,7 triệu công tơ điện tử đo đếm thu thập dữ liệu từ xa. 
 
Tuy nhiên, để bảo đảm VWEM vận hành có hiệu quả, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện xây dựng hệ thống kết nối SCADA để hệ thống này làm việc đủ tín hiệu, tăng cường hệ thống thu thập dữ liệu từ xa, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả cho VWEM. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến công tác vận hành lưới điện thông minh với sự xuất hiện của các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời. “Theo nhìn nhận của chúng tôi, nếu VWEM được triển khai có hiệu quả sẽ có tác dụng rất lớn, bổ ích đến hoạt động của giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giai đoạn cuối cùng của lộ trình thị trường điện cạnh tranh”, ông Trần Viết Ngãi nhận định. 

3/ EVN-HCMC: Đẩy mạnh điều chỉnh phụ tải điện

Điều chỉnh phụ tải điện nhằm khuyến khích khách hàng chủ động điều chỉnh giảm nhu cầu sử dụng điện, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải và nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện. 

 

Công nhân Điện lực TP HCM thực hiện thi công, sửa chữa live-line Ảnh: Mạnh Cường

PV đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVN HCMC) về vấn đề này.

PV: Kế hoạch thực hiện Chương trình Điều chỉnh phụ tải năm 2019 của EVN HCMC là gì, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Văn Thanh: Bộ Công Thương đã có Quyết định 175/QĐ-BCT ngày 28-1-2019 phê duyệt lộ trình và kế hoạch triển khai thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện. Trước mắt, EVN sẽ tập trung triển khai điều chỉnh phụ tải phi thương mại. Theo chỉ đạo của tập đoàn, trong tháng 3-2019, EVN HCMC sẽ ưu tiên vận động và ký thỏa thuận tham gia chương trình với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; tiếp đó sẽ tiếp tục vận động mở rộng cho các khách hàng lớn khác cùng tham gia. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia để tính toán nhu cầu công suất hệ thống, lập kế hoạch triển khai các sự kiện điều chỉnh phụ tải tối ưu.
 
PV: Năm 2018 ngành điện TP HCM đã làm tốt công tác giảm tổn thất điện năng, về đích sớm 2 năm so với lộ trình. Vì sao EVN HCMC làm được như vậy?
 
Ông Nguyễn Văn Thanh: Năm 2018, EVN HCMC giảm tổn thất điện năng 3,27%, về đích sớm 2 năm so với lộ trình đến năm 2020. Để đạt được kết quả này, từ năm 2015, chúng tôi đã xây dựng đề án giảm tổn thất điện năng cho giai đoạn 2016-2020 với nhiều nhóm giải pháp về nhân sự, kỹ thuật, kinh doanh, đầu tư xây dựng và đã thực hiện đồng bộ tất cả giải pháp qua các năm theo lộ trình của đề án. Trong năm 2018, có 3 nhóm giải pháp giảm tổn thất điện năng trọng tâm mang tính quyết định đã được EVN HCMC triển khai đồng bộ.
 
Cụ thể, về giải pháp đầu tư xây dựng đã khởi công và hoàn thành 18 công trình 220/110 KV, hoàn thành công tác nâng cấp điện áp toàn bộ lưới điện trung thế từ 15 KV lên 22 KV sớm trước 2 năm theo kế hoạch. Về giải pháp kỹ thuật, thường xuyên theo dõi tình hình vận hành trạm và đường dây 220/110 KV lẫn các trạm 110, 220 KV, các tuyến dây trung thế… Song song đó, thực hiện tốt công tác giảm mất điện, giảm sự cố trên lưới điện; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thi công, sửa chữa trên lưới trung thế đang mang điện (live-line), góp phần giảm tổn thất điện năng.
 
Về giải pháp kinh doanh: thay kiểm định 100% các công-tơ, TU, TI vận hành trên lưới điện, đồng thời làm tốt công tác truy thu các trường hợp trộm cắp điện với tổng sản lượng điện truy thu là 5,40 triệu KWh, tương ứng 14,65 tỉ đồng. Để kiểm soát tổn thất điện hiệu quả nhất, EVN HCMC cập nhật, theo dõi và tính toán tổn thất của hơn 641 tuyến dây trung thế và 15.445 khu vực trạm công cộng; khoanh vùng các khu vực có tổn thất cao để kịp thời khắc phục. Đến cuối năm 2018, tỉ lệ tổn thất điện của các tuyến dây trung thế toàn EVN HCMC còn 1,15%, lưới hạ thế còn 3,57%. Cũng trong năm 2018, các công ty điện lực ở TP HCM khai thác ứng dụng từ hệ thống đo xa cho hơn 1.300 điểm đo tại các trạm 110/220 KV, hơn 28.000 trạm biến thế phân phối và trên 800.000 khách hàng sau trạm công cộng…
 
PV: Giải pháp đẩy mạnh hiệu quả giảm tổn thất điện năng trong thời gian tới là gì, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Văn Thanh: Trên nền tảng hiệu quả giảm tổn thất điện năng 2018, ngành điện TP tiếp tục triển khai các giải pháp đầu tư xây dựng, vận hành lưới điện tối ưu cùng các giải pháp giảm sự cố, giảm mất điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, ứng dụng hệ thống đo xa... Cùng với đó là đẩy mạnh việc kiện toàn lưới điện trung hạ thế; khai thác hiệu quả hơn nữa ứng dụng hệ thống đo xa tại các trạm biến áp phân phối.

 3/ Thị trường điện cạnh tranh cần hoàn thiện hành lang pháp lý:

Cơ hội cạnh tranh bình đẳng
Sau 3 tháng chính thức vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh (BBĐCT – từ tháng 1/1/2019), ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có thêm 5 đơn vị được mua điện trực tiếp từ nhà máy điện. Thị trường BBĐCT đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp điện, tăng tính minh bạch, công bằng, cơ hội cạnh tranh bình đẳng trong huy động sản lượng các nhà máy điện, từ đó mang lại nhiều lợi ích hơn cho người sử dụng điện.
Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, với việc có thêm 5 Tổng công ty tham gia mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện đã nâng sản lượng điện được mua trực tiếp chiếm 10% tổng sản lượng điện thương phẩm cả nước. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thông tin, sắp tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu cho phép có thêm các Tổng công ty được mua điện trực tiếp từ nhà máy điện.
Lạc quan với việc vận hành thị trường BBĐCT, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) nhận định, thị trường mới đã làm thay đổi rõ rệt về mặt nhận thức và tổ chức công việc của các Tổng công ty điện lực.  
“Trước đây các Tổng công ty điện lực chưa hoặc không quan tâm nhiều đến những hình thái phát điện, giá thành, cách thức vận hành, lợi thế về nguồn phát… nhưng khi tham gia thị trường BBĐCT, các đơn vị này phải tìm hiểu rõ các điều trên và phải làm việc chặt chẽ với nguồn điện để có hiệu quả kinh doanh tốt nhất”, ông Cường cho hay. 
Đồng tình với kết quả bước đầu trong vận hành thị trường BBĐCT, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam – ông Trần Viết Ngãi nhận xét, thị trường đã đem lại lợi ích lớn cho người sử dụng điện. Bởi khi có thêm nhiều người bán, nhiều người mua, thị trường sẽ có sự cạnh tranh và giá điện được phản ánh sát thực tế. Các đơn vị cung cấp điện sẽ chủ động hơn trong vận hành, rút ngắn thời gian bảo trì, sửa chữa, cắt giảm chi phí. 
Lúng túng phương án bù chéo
Qua quá trình thực hiện thực hiện thị trường BBĐCT vẫn còn bộc lộ nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công Thương cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường điện, nhất là phương án bù chéo cho các Tổng công ty điện lực, từ đó xây dựng cơ chế khuyến khích các nhà máy điện năng lượng tái tạo tham gia thị trường phát điện.
Đặc biệt, để có một thị trường điện đúng nghĩa, ngành điện phải tách bạch các khâu phát điện với truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ để bảo đảm công bằng quyền lợi cho tất cả các bên tham gia.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Cường cho biết, trong tiến trình  phát triển thị trường điện lực Việt Nam đồng thời nằm trong đề án tái cơ cấu EVN, A0 sẽ xây dựng đề án để chuyển thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Việt Nam. Trên cơ sở đó, EVN giao cho A0 xây dựng đề án và hiện đề án đã hoàn thành, đang được EVN trình các cấp cao hơn để thẩm duyệt.
Cùng với đó, để bảo đảm vận hành thị trường điện hiệu quả, trong năm 2019, A0 sẽ tính toán phân bổ sản lượng cho các Tổng công ty điện lực, mô phỏng thị trường điện bán buôn theo quy định bảo đảm công bằng, minh bạch với các bên tham gia; tính toán lập kế hoạch vận hành thị trường điện, lập lịch huy động ngày tới, giờ tới bảo đảm 100% phương thức đạt mục tiêu tối ưu hóa chi phí mua điện.
“A0 cũng sẽ đưa vào vận hành các hệ thống dự báo công suất phát của nguồn năng lượng tái tạo và hệ thống giám sát chất lượng điện năng, giám sát công suất phát của các nguồn năng lượng tái tạo theo khả năng tải của lưới điện khu vực”, ông Cường nói.
Hiện nay, khâu phát điện (đầu vào) đã được vận hành theo thị trường, trong khi giá bán lẻ điện (đầu ra) vẫn tiếp tục được điều tiết nên đang gây khó cho các Tổng công ty điện điện lực trong vấn đề bảo đảm cân bằng tài chính.
Do đó, theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Nguyễn Anh Tuấn, để xây dựng được cơ chế bù chéo cho các Tổng công ty điện lực, Bộ Công Thương đang cố gắng hoàn thiện sớm hành lang pháp lý cho thị trường BBĐCT. Bộ cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ vận hành; đồng thời tổ chức sơ kết 3 tháng vận hành để tập hợp vướng mắc, từ đó tìm giải pháp giải quyết. 
Góp ý các giải pháp vận hành hiệu quả thị trường BBĐCT, ông Trần Viết Ngãi lưu ý các đơn vị tham gia thị trường điện cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm cho thị trường BBĐCT vận hành minh bạch, hiệu quả. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến công tác vận hành lưới điện thông minh với sự xuất hiện của các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời…
 
4/ Xử lý hành vi vi phạm trộm cấp điện:

1. Hành vi thuộc loại trộm cắp điện

- Tự tiện nối dây lấy điện trên hệ thống điện

- Dùng điện không qua công tơ

- Cố ý làm hỏng công tơ để dùng điện

- Dùng phương thức thay đổi dây nối dẫn đến công tơ ghi không chuẩn hoặc không ghi để dùng điện

- Tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ và các thiết bị điện khác có liên quan đến đo đếm điện

- Áp dụng các phương thức, phương pháp khác để lấy cắp điện.

2. Quy định của pháp luật xử lý hành vi trộm cắp điện

- Cá nhân, tổ chức có hành vi trộm cắp điện dưới 20.000 kWh phải bồi thường và bị phạt tiền theo quy định

- Cá nhân, tổ chức có hành vi trộm cắp điện trên 20.000 kWh trở lên được chuyển hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự.   

3. Công thức xác định tiền bồi thường

                            T  =  ABT x g   = (A SD -  A HĐ)  x g                       

T: Tiền bồi thường (đồng);

ABT: Sản lượng điện năng phải bồi thường (kWh);

A SD: Sản lượng điện năng sử dụng của các thiết bị tiêu thụ điện trong thời gian vi phạm (kWh);

A HĐ: Sản lượng điện năng được thể hiện trên hoá đơn thanh toán tiền điện trong thời gian vi phạm (kWh);

g: Giá điện (đ/kWh) để tính bồi thường, được tính theo mức giá cao nhất đối với mục đích sử dụng điện thực tế theo biểu giá điện áp dụng tại thời điểm phát hiện.

Trường hợp bên được kiểm tra có hành vi trộm cắp điện để sử dụng cho nhiều mục đích, giá điện để tính tiền bồi thường được xác định căn cứ theo mức giá cao nhất của biểu giá điện trong các mục đích sử dụng của bên được kiểm tra.

4. Phương pháp xác định sản lượng điện năng sử dụng (A SD):

4.1. Phương pháp xác định sản lượng điện năng sử dụng theo sai số được kiểm định của công tơ điện

Trường hợp bên vi phạm dùng cách thức duy nhất là can thiệp làm sai số công tơ để trộm cắp điện và sai số này xác định được thông qua việc kiểm định, sản lượng điện năng sử dụng được tính căn cứ vào trị số sai số cao nhất của công tơ điện do cơ quan kiểm định độc lập xác định và áp dụng theo công thức sau:

s: Sai số lớn nhất trong các giá trị kiểm định của công tơ điện (tính theo %);

A bqn: Sản lượng điện năng ngày bằng điện năng sử dụng bình quân ngày của kỳ hoá đơn có sản lượng điện năng bình quân ngày cao nhất trong khoảng thời gian vi phạm.

Trường hợp không xác định được thời điểm vi phạm, khoảng thời gian vi phạm được tính từ ngày kiểm tra điện gần nhất hoặc từ lần thay thế, sửa chữa hay kiểm tra định kỳ hệ thống đo đếm điện năng gần nhất đến khi phát hiện nhưng không quá 12 tháng.

n: Số ngày tính bồi thường (ngày).

4.2. Phương pháp xác định sản lượng điện năng sử dụng đối với các cách thức trộm cắp điện khác hoặc không áp dụng được phương pháp quy định tại điểm a khoản này

* Bước 1: Xác định công suất

Căn cứ thực tế kiểm tra để xác định trị số công suất cao nhất trong các trị số công suất có thể xác định được bằng các cách sau:

Cách 1: Công suất tổng đo được tại thời điểm kiểm tra, phát hiện vi phạm.

Cách 2: Công suất cao nhất trong biểu đồ phụ tải đăng ký trong hợp đồng mua bán điện.

Cách 3: Công suất của các thiết bị sử dụng điện tại bảng kê công suất thiết bị đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện (đối với hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ).

Cách 4: Công suất của các thiết bị tiêu thụ điện ghi trong Biên bản kiểm tra (có thể lấy công suất ghi trên nhãn mác thiết bị của nhà chế tạo).

* Bước 2: Xác định sản lượng

- Trường hợp xác định công suất theo cách 1 hoặc cách 2, áp dụng công thức tính sản lượng điện năng sử dụng sau:

ASD = P x ttb x n

Trong đó:

P: Công suất tổng (kW) đo được tại thời điểm kiểm tra, phát hiện vi phạm hoặc công suất cao nhất (kW) trong biểu đồ phụ tải đăng ký trong hợp đồng mua bán điện.

ttb: Thời gian sử dụng bình quân trong ngày của toàn bộ các thiết bị tiêu thụ điện (h/ngày) được xác định căn cứ vào Biên bản kiểm tra hoặc biểu đồ phụ tải đã đăng ký, nếu không xác định được thì áp dụng quy định tại mục 10 Phụ lục 2 ban hành kèm Thông tư này.

n: Số ngày tính bồi thường (ngày)

- Trường hợp xác định công suất theo cách 3 hoặc cách 4, áp dụng công thức tính sản lượng điện năng sau:

ASD   = (P1 x t1 + P2 x t2 +….+ Pi x ti ) x  n

Trong đó:

P1, P2, …Pi : Công suất (kW) của từng thiết bị sử dụng điện tại bảng kê công suất thiết bị đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện hoặc công suất (kW) của từng thiết bị tiêu thụ điện ghi trong Biên bản kiểm tra.

t1, t2, …ti: Thời gian sử dụng trong ngày của từng thiết bị (h/ngày), được xác định căn cứ vào Biên bản kiểm tra; nếu không xác định được thì áp dụng mức trung bình cho sinh hoạt gia đình: 6 h/ngày; Kinh doanh dịch vụ: 12 h/ngày; Cơ quan hành chính: 8 h/ngày; Sản xuất 1 ca: 8 h/ngày; Sản xuất 2 ca: 16 h/ngày; Sản xuất 3 ca: 24 h/ngày

n: Số ngày tính bồi thường (ngày)

- Đối với tổ chức, cá nhân sử dụng điện sinh hoạt có thể áp dụng cách tính căn cứ vào hóa đơn tiền điện theo công thức:

ASD   = Abqn x n

Trong đó:

Abqn : sản lượng điện năng ngày bằng điện năng sử dụng bình quân ngày của kỳ hoá đơn có sản lượng điện năng bình quân ngày cao nhất trong khoảng thời gian 12 tháng liền kề trước đó.

n: Số ngày tính bồi thường (ngày).

4.3. Số ngày tính bồi thường (n) quy định tại khoản 2 Điều này được xác định như sau:

a) Được tính từ ngày thực hiện hành vi vi phạm đến khi phát hiện, trừ thời gian ngừng cấp điện và ngừng sử dụng điện có lý do;

b) Trường hợp không xác định được theo quy định tại điểm a Khoản này, số ngày tính bồi thường được tính từ ngày kiểm tra điện gần nhất hoặc từ lần thay thế, sửa chữa hay kiểm tra định kỳ hệ thống đo đếm điện năng gần nhất đến khi phát hiện, nhưng không quá 12 tháng, trừ thời gian ngừng cấp điện và ngừng sử dụng điện có lý do;

c) Đối với trường hợp trộm cắp điện bằng hình thức dùng nam châm, câu móc trực tiếp, số ngày tính bồi thường là 12 tháng, trừ thời gian ngừng cấp điện và ngừng sử dụng điện có lý do.

4.4. Ngoài việc bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm bằng giá trị sản lượng điện năng bị mất do hành vi trộm cắp điện gây ra, bên vi phạm phải chịu chi phí để sửa chữa, kiểm định hiệu chuẩn hoặc bồi hoàn giá trị của thiết bị, hệ thống đo đếm bị hư hại do hành vi vi phạm gây ra.

5. Tiền phạt

Lượng điện trộm cắp (kWh)

Tiền phạt (triệu đồng)

Dưới 1.000

Từ 2 đến 5

Từ 1.000 đến dưới 2.000

Từ 5 đến 10

Từ 2.000 đến dưới 4.500

Từ 10 đến 15

Từ 4.500 đến dưới 6.000

Từ 15 đến 20

Từ 6.000 đến dưới 8.500

Từ 20 đến 25

Từ 8.500 đến dưới 11.00

Từ 25 đến 30

Từ 11.000 đến dưới 13.500

Từ 30 đến 35

Từ 13.500 đến dưới 16.000

Từ 35 đến 40

Từ 16.000 đến dưới 18.000

Từ 40 đến 45

Từ 18.000 đến dưới 20.000

Từ 45 đến 50

5/ Vay mua thiết bị điện năng lượng mặt trời tại Sacombank

Sacombank vừa triển khai gói cho vay không giới hạn tổng hạn mức tín dụng dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu mua thiết bị điện năng lượng mặt trời với nhiều ưu đãi như hạn mức vay lên đến 100% nhu cầu vốn (tối đa 500 triệu đồng), lãi suất giảm 1% so với lãi suất hiện hành, không cần tài sản đảm bảo, thời gian vay đến 60 tháng. 

Khách hàng có nhu cầu vay không những được hỗ trợ về hồ sơ đơn giản, giải ngân nhanh chóng mà còn được miễn phí sử dụng 6 tháng gói dịch vụ tại Sacombank.

Chị Thu Nga (TP.HCM), một khách hàng của Sacombank, cho biết: “Tôi vừa vay 50 triệu đồng ở Sacombank để lắp đặt thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời ở nhà, giúp tôi tiết kiệm được khá nhiều tiền điện cho đèn, quạt, máy lạnh… Trước đây, tôi nghĩ thủ tục vay mà không cần thế chấp chắc phức tạp và khó khăn lắm, vậy mà để vay được khoản này, tôi chỉ cần nộp bản sao hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế và hóa đơn điện là được giải quyết ngay”.

Hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, các sản phẩm điện mặt trời đang được ngày càng đa dạng về chủng loại, quy mô, cũng như công nghệ sản xuất ngày càng hiện đại, nên khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu. Đây không chỉ là giải pháp tiết kiệm ở khu vực thành thị, mà còn là giải pháp tăng cường nguồn điện ở các địa bàn chưa có lưới điện hoặc gặp khó khăn trong việc cấp điện để phục vụ sinh hoạt và ngành nghề mưu sinh của các gia đình.

6/ Ngày nay năng lượng mặt trời ngày càng được các cá nhân và tổ chức sử dụng rộng rãi.

Điện mặt trời là một hướng phát triển tích cực trong việc cung cấp năng lượng cho các nhu cầu tư nhân và công cộng. Nhưng có lẽ cũng cần biết đến những ưu và khuyết điểm của nguồn năng lượng tự nhiên này.

Ưu điểm của năng lượng mặt trời

1. Khả năng tái tạo

Điện mặt trời là một nguồn năng lượng tái tạo, không giống như các nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt… là những nguồn nhiên liệu không thể phục hồi. Theo tính toán của NASA, mặt trời còn có thể cung cấp năng lượng cho chúng ta trong khoảng 6,5 tỉ năm nữa.

2. Sự phong phú, dồi dào

Tiềm năng của năng lượng mặt trời là rất lớn - mỗi ngày, bề mặt trái đất được hưởng 120.000 terawatts (TW) của ánh sáng mặt trời, cao gấp 20.000 lần so với nhu cầu của con người trên toàn thế giới (1TW = 1.000 tỉ W).

3. Nguồn cung bền vững và vô tận

Năng lượng mặt trời là vô tận, dư thừa để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nhân loại, đủ dùng cho muôn vàn thế hệ về sau.

4. Tính khả dụng

Năng lượng mặt trời có thể được tiếp nhận và sử dụng ở mọi nơi trên thế giới - không chỉ ở vùng gần xích đạo trái đất mà còn ở các vĩ độ cao thuộc phía bắc và phía nam. Ví dụ, Đức hiện đang chiếm vị trí hàng đầu thế giới trong việc sử dụng năng lượng mặt trời và có kế hoạch tận dụng tối đa tiềm năng này.

5. Sạch về sinh thái

Theo xu hướng phát triển gần đây trong cuộc đấu tranh cho việc làm sạch môi trường trái đất, năng lượng mặt trời là lĩnh vực hứa hẹn nhất, có thể thay thế một phần năng lượng từ các nguồn nhiên liệu không tái tạo được và do đó, nó đóng vai trò quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường từ sự tăng nhiệt toàn cầu. Việc sản xuất, vận chuyển, lắp đặt và vận hành các nhà máy điện mặt trời về cơ bản không phát thải các loại khí độc hại vào khí quyển. Ngay cả khi có phát thải một lượng nhỏ thì nếu so sánh với các nguồn năng lượng truyền thống, lượng khí này là không đáng kể.

6. Không gây tiếng ồn

Trên thực tế, việc sản xuất năng lượng mặt trời không sử dụng các loại động cơ như trong máy phát điện, vì vậy việc tạo ra điện không gây tiếng ồn.

7. Hiệu quả cao, chi phí hoạt động thấp

Chuyển sang sử dụng pin mặt trời, các hộ gia đình sẽ có được một khoản tiết kiệm đáng kể trong ngân sách chi tiêu. Việc bảo trì, duy tu hệ thống cung cấp năng lượng mặt trời cho hộ gia đình đòi hỏi chi phí rất thấp - trong 1 năm, bạn chỉ cần một vài lần lau chùi sạch các tấm pin năng lượng mặt trời và chúng luôn được các nhà sản xuất bảo hành trong khoảng thời gian lên tới 20-25 năm.

8. Áp dụng rộng rãi

Phổ ứng dụng của năng lượng mặt trời rất rộng - cung cấp điện tại các khu vực không có kết nối với lưới điện quốc gia (ngay cả ở những quốc gia phát triển cao như Mỹ, Nga, Pháp… hiện cũng vẫn có những vùng sâu vùng xa được gọi là “điểm mù về điện” như thế); dùng để khử muối trong nước biển ở nhiều quốc gia châu Phi khan hiếm nước ngọt và thậm chí cả việc cung cấp năng lượng cho các vệ tinh trên quỹ đạo trái đất. Điện mặt trời gần đây được gọi là "năng lượng toàn dân", phản ánh sự đơn giản của việc tích hợp điện mặt trời vào hệ thống cung cấp điện nhà, song song với điện lưới hoặc điện từ các nguồn cung khác.

9. Công nghệ tiên tiến

Công nghệ sản xuất pin mặt trời mỗi ngày một tiến bộ hơn - mô-đun màng mỏng được đưa trực tiếp vào vật liệu ngay từ giai đoạn sơ chế ban đầu. Tập đoàn Sharp của Nhật Bản cũng là một nhà sản xuất pin mặt trời, vừa giới thiệu một hệ thống sáng tạo các yếu tố lưu trữ năng lượng cho kính cửa sổ. Những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ nano và vật lý lượng tử cho phép chúng ta kỳ vọng về khả năng tăng công suất của các tấm pin mặt trời lên gấp 3 lần so với hiện nay.

Nhược điểm

1. Chi phí cao

Có ý kiến cho rằng, điện mặt trời thuộc về loại năng lượng đắt tiền - đây có lẽ là vấn đề gây tranh cãi nhất trong việc sử dụng nguồn năng lượng này. Do việc lưu trữ năng lượng mặt trời tại các hộ gia đình đòi hỏi khoản chi phí đáng kể ở giai đoạn ban đầu, nhiều quốc gia khuyến khích việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch bằng cách cho vay tín dụng để thực hiện hoặc cho thuê pin mặt trời theo những hợp đồng có lợi cho người thuê.

2. Không ổn định

Có một thực tế bất khả kháng: Vào ban đêm, trong những ngày nhiều mây và mưa thì không có ánh sáng mặt trời, vì thế năng lượng mặt trời không thể là nguồn điện chính yếu. Tuy nhiên, so với điện gió, điện mặt trời vẫn là một lựa chọn có nhiều ưu thế hơn.

3. Chi phí lưu trữ năng lượng cao

Giá của ắc quy tích trữ điện mặt trời để lấy điện sử dụng vào ban đêm hay khi trời không có nắng hiện nay vẫn còn khá cao so với túi tiền của đại đa số người dân. Vì thế, ở thời điểm hiện tại, điện mặt trời chưa có khả năng trở thành nguồn điện duy nhất ở các hộ gia đình mà chỉ có thể là nguồn bổ sung cho điện lưới và các nguồn khác.

4. Vẫn gây ô nhiễm môi trường, dù rất ít

Mặc dù so với việc sản xuất các loại năng lượng khác, điện mặt trời thân thiện với môi trường hơn, nhưng một số quy trình công nghệ để chế tạo các tấm pin mặt trời cũng đi kèm với việc phát thải các loại khí nhà kính, nitơ trifluoride và hexaflorua lưu huỳnh. Ở quy mô lớn, việc lắp đặt những cánh đồng pin mặt trời cũng chiếm rất nhiều diện tích đất nhẽ ra được dành cho cây cối và thảm thực vật nói chung.

5. Sử dụng nhiều thành phần đắt tiền và quý hiếm

Việc sản xuất các tấm pin mặt trời màng mỏng đòi hỏi phải sử dụng cadmium telluride (CdTe) hoặc gallium selenide indi (CIGS) - những chất rất quý hiếm và đắt tiền, điều này dẫn đến sự gia tăng chi phí.

6. Mật độ năng lượng thấp

Một trong những thông số quan trọng của nguồn điện mặt trời là mật độ công suất trung bình, được đo bằng W/m2 và được mô tả bằng lượng điện năng có thể thu được từ một đơn vị diện tích nguồn năng lượng. Chỉ số này đối với điện mặt trời là 170 W/m2 - nhiều hơn các nguồn năng lượng tái tạo khác, nhưng thấp hơn dầu, khí, than và điện hạt nhân. Vì lý do này, để tạo ra 1kW điện từ nhiệt năng mặt trời đòi hỏi một diện tích khá lớn của các tấm pin mặt trời.

CÔNG TY TNHH VẬT TƯ CÔNG NGHIỆP SÀI GÒN