Khi các ý kiến đồn đoán đều tập trung vào khả năng Tổng thống Donald Trump có thể đưa ra tuyên bố hòa bình và chấm dứt chiến tranh Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, các chuyên gia cho rằng động thái này của ông chủ Nhà Trắng có thể nhằm đánh đổi cam kết phi hạt nhân hóa từ phía Bình Nhưỡng.
“Chúng tôi muốn phi hạt nhân hóa. Và tôi nghĩ ông ấy (Kim Jong-un) sẽ có một đất nước với nhiều kỷ lục về tốc độ phát triển kinh tế”, Tổng thống Trump tuyên bố hôm 25/2 trước khi lên máy bay tới Hà Nội để gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Phát biểu của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi Nhà Trắng ra thông báo kêu gọi “thúc đẩy hòa bình”, trong đó nhà lãnh đạo Mỹ cam kết đạt được “nền hòa bình chuyển đổi” trên bán đảo Triều Tiên gắn liền với sự hứa hẹn về phát triển kinh tế, bao gồm “huy động đầu tư” và “nâng cấp cơ sở hạ tầng”.
Trong bài phát biểu tại đại học Stanford vào cuối tháng 1, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Steve Biegun cho biết Tổng thống Trump “cam kết chấm dứt vĩnh viễn 70 năm chiến tranh và thù địch trên bán đảo Triều Tiên”.
“Tổng thống Trump sẵn sàng chấm dứt cuộc chiến này. Chiến tranh đã qua. Chiến tranh đã kết thúc rồi”, ông Biegun nói.
Cũng theo ông Biegun, người dẫn đầu các cuộc đàm phán của Mỹ với Triều Tiên trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Việt Nam, Washington thậm chí đang cân nhắc “đặt ra các điều kiện cần thiết để chuyển đổi về căn bản quan hệ Mỹ - Triều và thiết lập nền hòa bình, một nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”.
Tuyên bố hòa bình
Về mặt kỹ thuật, Triều Tiên và Mỹ - Hàn vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do các bên mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến, thay vì hiệp ước hòa bình sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Một tuyên bố hòa bình, với nội dung thông báo chính thức chấm dứt chiến tranh, được cho là một trong những động thái mà Tổng thống Trump có thể thực hiện tại hội nghị thượng đỉnh lần này ở Hà Nội. Theo đó, ông Trump có thể lấy chính mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam sau chiến tranh để làm hình mẫu cho Triều Tiên.
Một thỏa thuận đình chiến như thỏa thuận 1953 là văn bản chính thức của các bên với cam kết dừng mọi hoạt động quân sự trong một cuộc xung đột. Thỏa thuận này đồng nghĩa với việc cuộc xung đột sẽ kết thúc, song các bên vẫn chưa thiết lập được nền hòa bình chính thức. Do vậy, để có được nền hòa bình thực sự, các bên liên quan cần đàm phán và phê chuẩn một hiệp ước hòa bình.
Ken Gause, giám đốc Nhóm Các vấn đề quốc tế tại Trung tâm Phân tích Hải quân, nhận định “một tuyên bố hòa bình là điều mà ông Trump có thể đề xuất (với Triều Tiên), phụ thuộc vào diễn biến của các cuộc đàm phán như thế nào”.
Khác với hiệp ước hòa bình, tuyên bố hòa bình không mang giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Robert Manning tại Hội đồng Đại Tây Dương, tuyên bố hòa bình đóng vai trò như một bước đệm để hai bên cải thiện quan hệ.
Dennis Wilder, cựu giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề Đông Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, cho rằng một thành tựu mà cả Mỹ và Triều Tiên có thể đạt được là giảm thiểu căng thẳng và xây dựng lòng tin. Tuy nhiên theo chuyên gia Wilder, tuyên bố hòa bình phải đi kèm với các biện pháp xây dựng lòng tin cụ thể sau đó.
“Tuyên bố hòa bình sẽ không có bất kỳ hiệu quả thực tế nào trừ khi các bên nhất trí với các biện pháp xây dựng lòng tin, như chuyển số lượng lớn các tổ hợp pháo bên phía Triều Tiên tại khu phi quân sự (Hàn - Triều) ở biên giới sang chế độ thời bình”, VOA dẫn lời chuyên gia Wilder cho biết.
Theo chuyên gia Gause, mặc dù tuyên bố hòa bình chấm dứt chiến tranh là bước đầu tiên để có thể dẫn tới hiệp ước hòa bình, song các bước đi cần thiết quan trọng khác cũng cần được thực hiện trước khi hiệp ước hòa bình được ký kết. Các bước đi này bao gồm “tăng cường sự nhượng bộ từ cả hai phía cho tới khi đạt được một thỏa thuận đáng kể như (Triều Tiên) phi hạt nhân hóa để đổi lấy sự bảo đảm về an ninh và kinh tế”.
Hiệp ước hòa bình cũng cần có sự đồng ý của Trung Quốc, một trong số các bên ký thỏa thuận đình chiến năm 1953 cùng Mỹ và Triều Tiên. Theo chuyên gia Gause, nếu tuyên bố kết thúc chiến tranh được đưa ra, Trung Quốc có thể “bắt đầu hối thúc Mỹ và Hàn Quốc tăng tốc hơn trong việc đạt được hiệp ước hòa bình và điều này có thể làm suy yếu sự hiện diện của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên”.
Bước đệm lịch sử
Chuyên gia Wilder cho rằng sự ra đời của hiệp ước hòa bình “sẽ là một quyết định rất quan trọng vì đây có thể là khởi đầu cho việc chấm dứt sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ trên bán đảo Triều Tiên”. Hiện Mỹ duy trì khoảng 28.500 quân ở Hàn Quốc và Tổng thống Trump từng tuyên bố chi phí để duy trì lực lượng này “rất đắt đỏ”.
Theo nhận định của chuyên gia Wilder, một hiệp ước hòa bình chưa thể ngay lập tức dẫn tới việc thống nhất bán đảo Triều Tiên.
“Một hiệp ước hòa bình không nhất thiết đồng nghĩa với việc phải tiến triển nhanh chóng trong tiến trình tái thống nhất bán đảo Triều Tiên. Thống nhất là một vấn đề riêng rẽ, đòi hỏi Triều Tiên phải đưa ra quyết định quan trọng về việc thay đổi cả chính quyền cũng như nền kinh tế của họ”, chuyên gia Wilder nói.
Con đường tiến tới mục tiêu ký kết hiệp ước hòa bình, bắt đầu từ việc tuyên bố hòa bình, là một đề xuất mà Mỹ có thể đưa ra và xem đây như một trong những “biện pháp tương xứng” mà Triều Tiên vẫn thường đòi hỏi từ phía Washington để đổi lấy việc Bình Nhưỡng sẽ dỡ bỏ một số cơ sở hạt nhân của nước này.
Trong bài phát biểu gần đây, đặc phái viên Biegun cho biết Washington đang tìm cách xác định xem “những biện pháp tương xứng” mà Triều Tiên mong muốn từ Mỹ là gì để Bình Nhưỡng đồng ý giải giáp các cơ sở hạt nhân của nước này. Ông Biegun nhấn mạnh rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cam kết “dỡ bỏ và phá hủy các cơ sở làm giàu uranium và plutonium của Triều Tiên”, ngoài tổ hợp hạt nhân Yongbyon, khi ông Kim gặp Ngoại trưởng Mỹ hồi tháng 10 năm ngoái ở Bình Nhưỡng.
Siegfried Hecker, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu tại Đại học Stanford và là người từng đến thăm cơ sở hạt nhân Yongbyon vài lần, cho biết đề xuất dỡ bỏ cơ sở Yongbyon tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là một “thỏa thuận lớn” vì Triều Tiên không có lò phản ứng nào khác bên ngoài Yongbyon. Xử lý plutonium và làm giàu uranium hiện là hai cách để chế tạo vũ khí hạt nhân.
“Không còn Yongbyon, không còn plutonium. Đóng cửa Yongbyon sẽ giảm đáng kể số lượng uranium làm giàu mà Triều Tiên có thể sản xuất”, ông Hecker cho biết.
Giới phân tích nhận định các thế hệ lãnh đạo Triều Tiên luôn mong mỏi đạt được hiệp ước hòa bình. Theo AP, một hiệp ước hòa bình sẽ mang lại sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế với Triều Tiên, góp phần nới lỏng các lệnh trừng phạt thương mại, thậm chí dẫn tới việc giảm bớt số lượng binh sĩ Mỹ ở phía nam khu phi quân sự liên Triều - điều mà Bình Nhưỡng luôn lo ngại.
Một hiệp ước hòa bình sẽ là “cú hích” lớn với danh tiếng của ông Kim Jong-un cả ở trong nước và trên trường quốc tế. Đây cũng là văn kiện mang ý nghĩa quan trọng với nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đúng vào thời điểm Bình Nhưỡng đang tìm cách nâng cao mức sống của người dân và hiện đại hóa nền kinh tế bằng việc tập trung nhiều hơn vào khoa học và công nghệ.
Thành Đạt
Tổng hợp
2/ Dự kiến mời HLV Park Hang – seo làm Đại sứ cho chiến dịch Giờ trái đất 2019
Ban tổ chức chiến dịch Giờ trái đất 2019 tại Việt Nam dự kiến mời Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam, ông Park Hang Seo làm đại sứ cho chiến dịch.
Trong lĩnh vực thể thao, Ban tổ chức cũng dự kiến mời cầu thủ của Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội, tuyển thủ quốc gia Nguyễn Quang Hải làm Đại sứ cho sự kiện này.
Bên cạnh đó là các gương mặt như: Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2017 H’Hen Niê; Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) ông Ousmane Dione; ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software…
Giờ trái đất 2019 sẽ diễn ra trong tháng 3/2019, trong đó sự kiện kick off - Giờ trái đất được diễn ra tại phố đi bộ Hồ Gươm, ngày 10/3; các hoạt động khác như tuyên truyền, dán tờ rơi tại các quận trên địa bàn Hà Nội cũng như sự kiện Ngày hội “Em yêu trái đất” tại trường Phổ thông liên cấp Edison – Ecopack diễn ra trong thời gian từ ngày 10 – 20/3. Đêm sự kiện chính tắt đèn hưởng ứng Giờ trái đất 2019 được tổ chức tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, tối 30/3, từ 20g30 – 21g30.
3/ Tỷ phú Phạm Nhật Vượng giàu gấp đôi Tổng thống Mỹ
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng 260 bậc, đón thêm 2 “tân binh”
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2019. Việt Nam có 5 đại diện góp mặt, trong đó dẫn đầu là ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup với tài sản 6,6 tỷ USD. Trên bảng xếp hạng của Forbes, ông Vượng xếp thứ 239.
Ông Vượng được Forbes lần đầu công nhận tỷ phú vào năm 2013 với tổng tài sản 1,5 tỷ USD. Kể từ đó, bảy năm liên tiếp ông Vượng có mặt trong danh sách của Forbes và luôn dẫn đầu trong danh sách tỷ phú của Việt Nam.
Nếu so với xếp hạng của năm ngoái, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng 2,3 tỷ USD, và tăng 260 bậc trong bảng xếp hạng (năm ngoái tỷ phú Phạm Nhật Vượng xếp vị trí 499 trong bảng xếp hạng). Với số tài sản này, tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng đang giàu hơn cả Tổng thống Mỹ Donald Trump (3,1 tỷ USD), cựu CEO Uber Travis Kalanick (5,8 tỷ USD) và nhiều nhân vật nổi tiếng khác.
CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo lần thứ 3 được Forbes xướng tên trong top tỷ phú thế giới với tài sản 2,3 tỷ USD. Theo đó, thứ hạng của của nữ tỷ phú tự thân duy nhất ở khu vực Đông Nam Á, theo đánh giá của Forbes, cũng giảm mạnh từ vị trí 766 năm ngoái xuống hạng 1.008 năm nay.
Lý do, trong một năm qua, kể từ mức đỉnh, trên sàn niêm yết cả hai cổ phiếu VJC của VietJet và HDB của ngân hàng HDBank, nơi bà Thảo làm phó chủ tịch thường trực đều giảm giá mạnh, tương ứng khoảng 33% và 40%.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco lần thứ 2 có mặt trong bảng xếp hạng của Forbes, xếp vị trí 1.349 với tài sản 1,7 tỷ USD. Trong khi đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát, người được Forbes đưa vào danh sách năm ngoái đã không có mặt trong bảng xếp hạng năm nay. Tuy nhiên, trên bảng xếp hạng Real-Time (thời gian thực), tài sản hiện tại của ông Long được Forbes ước tính khoảng 1 tỷ USD.
Hai “tân binh” tỷ phú USD của Việt Nam là ông Hồ Hùng Anh (1,7 tỷ USD, xếp hạng 1.349) và Nguyễn Đăng Quang (1,3 tỷ USD, xếp hạng 1.717). Ông Quang hiện là Chủ tịch Masan, còn ông Hùng Anh là Chủ tịch Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Ngân hàng vạn tỷ có tỷ phú USD
Hai \"tân binh\" trong danh sách tỷ phú năm 2019 của Forbes đều là các cựu du học sinh khởi nghiệp kinh doanh từ thị trường Đông Âu. Ông Hồ Hùng Anh, chủ tịch Techcombank có tổng tài sản 1,7 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 1.349.
Trước khi lên sàn, tổng tài sản của gia đình ông Hồ Hùng Anh tại Techcombank ước tính lên tới 25.401,1 tỷ đồng. Như vậy, ông Hồ Hùng Anh hiện đang là vị đại gia gốc Đông Âu giàu có nhất ngành ngân hàng.
Ông Hùng Anh, 49 tuổi, có bằng kỹ sư điện tử, đầu tư vào ngân hàng Techcombank từ những thập niên 1990 và trở thành chủ tịch Techcombank vào năm 2008.
Với vốn hóa thị trường lên tới 93,7 nghìn tỷ, Techcombank của ông Hồ Hùng Anh là 1 trong 3 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ kém Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng và Masan của ông Nguyễn Đăng Quang.
Trong năm 2018, Techcombank của đại gia Hồ Hùng Anh đã ghi nhận kết quả kinh doanh đạt kỷ lục với tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 16.927 tỷ đồng, cao hơn 10% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế 10.661 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2017. Đây cũng là ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận trong khối ngân hàng tư nhân và trong cả hệ thống Techcombank đứng vị trí thứ 2 sau Vietcombank về con số lợi nhuận.
Năm 2018, lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA) của Techcombank đạt 2,9%, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROEA) đạt 21,5%, tỷ lệ nợ xấu 1,8%. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng đạt 52 nghìn tỷ đồng, cũng là mức cao nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân.
Theo ông Nguyễn Lê Quốc Anh, CEO Techcombank, kết quả này có được là từ sự tăng trưởng trong tất cả các mảng kinh doanh của ngân hàng, với tăng trưởng tín dụng toàn ngân hàng đạt 20% trong năm 2018.
Hoạt động bán lẻ đạt mức tăng trưởng mạnh dựa trên những nền tảng bền vững đã được xây dựng trong nhiều năm qua. Cho vay mua nhà đạt mức tăng trưởng 20%, kéo theo tỷ trọng cho vay cá nhân trên tổng danh mục cho vay của ngân hàng lên tới 45%.
Ngoài ra, huy động cá nhân tăng trưởng 17% cũng giúp tỷ lệ CASA trên tổng huy động của Techcombank đạt kỷ lục 28,7%.
Phân tích rõ hơn về cơ cấu nguồn thu của Techcombank trong năm 2018, đại diện ngân hàng này cho biết “60% doanh thu của Techcombank hiện là thu nhập từ lãi, 22% nguồn thu đến từ thu nhập từ phí (doanh thu ngoài lãi) như phí sản phẩm bảo hiểm liên kết ngân hàng, tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Tỷ lệ đóng góp từ thu nhập ngoài lãi tăng lên gấp 3 lần trong 3 năm vừa qua, từ mức 1.200 tỷ lên mức 3.600 tỷ như hiện nay.
Ngoài ra, Techcombank cũng đã giảm tỷ lệ cho vay từ doanh nghiệp lớn chuyển sang doanh nghiệp nhỏ, qua đó Techcombank gia tăng thêm được nguồn thu từ các dịch vụ do những doanh nghiệp này sử dụng.
“Sự chuyển dịch cơ cấu nguồn thu này khiến cho lợi nhuận của Techcombank trở lên bền vững hơn và Techcombank sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng thu từ dịch vụ trong năm 2019”, lãnh đạo Techcombank khẳng định.
4/ Việt Nam có 142 người siêu giàu
Báo cáo của Knight Frank dự báo trong 5 năm tới, số người siêu giàu của Việt Nam tăng nhanh hàng đầu thế giới.
Theo Báo cáo Thịnh vượng 2019 (Wealth Report) vừa được Knight Frank công bố, Việt Nam có 142 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên) năm 2018, tăng 7 người so với năm trước đó. Trong 5 năm tới, Việt Nam cũng được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới, với 31%.
Báo cáo cũng ghi nhận Việt Nam có 12.327 triệu phú năm 2018, tăng 5% so với năm trước đó. Năm 2023, con số này được dự báo lên tới 15.776 người.
Báo cáo nhận định dù triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng u ám, của cải trên thế giới vẫn không ngừng được tạo ra. Thế giới có gần 200.000 người siêu giàu năm 2018. Hơn hai phần ba số đó nằm tại châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
Châu Âu đóng góp nhiều đại diện nhất, với hơn 70.000 người. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng lại tập trung ở nhóm nền kinh tế châu Á, như Ấn Độ (39%), Philippines (38%) hay Trung Quốc (35%). Trong 5 năm tới, tổng số người siêu giàu toàn cầu được dự báo tăng 22%.
Bên cạnh đó, bất chấp rủi ro từ việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), London (Anh) vẫn là thành phố có nhiều người siêu giàu nhất năm nay, với gần 5.000 đại diện, Theo sau là Tokyo (Nhật Bản) với hơn 3.700 người và Singapore với gần 3.600 người. Cơ hội kinh doanh, phong cách sống, cơ sở vật chất về giao thông và bệnh viện là các yếu tố thu hút người siêu giàu đến sống tại các thành phố lớn.
Báo cáo cũng cho rằng trong 10 năm tới, thế giới sẽ có rất nhiều thay đổi. Họ dự báo 5 xu hướng có thể ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư, trong đó có căng thẳng địa chính trị. Knight Frank nhận định nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài, một số nước sẽ được hưởng lợi. Đó là các nước xuất khẩu sang Mỹ, như Mexico, Canada, Việt Nam, Bangladesh và Đức.
Một số sở thích chi tiêu của người giàu cũng được chỉ ra trong báo cáo, đó là rượu, xe cổ và các tác phẩm nghệ thuật.